Top 5 quan điểm về quản trị marketing

”Quản trị marketing là quá trình phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thi hành các biện pháp nhằm thiết lập, củng cố và duy trì những cuộc trao đổi có lợi với những khách hàng đã được lựa chọn để đạt những mục tiêu đã đề ra của doanh nghiệp”

Top 5 quan điểm về quản trị marketing

I.Quản trị Marketing là gì?

Theo Philip Kotler (cha để của ngành Marketing) :”Quản trị marketing là quá trình phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thi hành các biện pháp nhằm thiết lập, củng cố và duy trì những cuộc trao đổi có lợi với những khách hàng đã được lựa chọn để đạt những mục tiêu đã đề ra của doanh nghiệp”

II.Top 5 quan điểm về quản trị marketing

Có nhiều quan điểm quản trị Marketing từ trước đến nay, trong đó có 5 quan điểm chính mà các doanh nghiệp hay dùng sẽ được trình bày dưới đây:

a. Quan điểm tập trung vào sản xuất

Đây là một trong những quan điểm trong quản trị Marketing phổ biến nhất mà một số doanh nghiệp thường áp dụng. Quan điểm này đặt sự chú trọng vào việc tối ưu hóa các quy trình sản xuất để tăng năng suất, giảm thời gian và tối đa hóa hiệu suất. Doanh nghiệp tập trung vào việc cải tiến công nghệ, quy trình và hệ thống để đạt được sản lượng cao hơn và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất.

Lưu ý rằng giảm giá không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng của sản phẩm. Và mặc dù có nhiều cách để hạ giá thành nhưng quan điểm này tập trung vào hình thức hạ giá nhờ tính kinh tế theo quy mô. Khi sản lượng tăng lên thì chi phí cố định trên đầu sản phẩm sẽ giảm xuống, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm dẫn đến có thể hạ giá thành.

Quan điểm này có thể đưa lại sự thành công cho doanh nghiệp trong hai trường hợp: thứ nhất là khi cầu lớn hơn cung, thứ hai là khi giá thành hay chi phí sản xuất còn cao. Đây là quan điểm chưa có định hướng kinh doanh theo thị trường. Doanh nghiệp theo quan điểm này sẽ không thể thành công trên những thị trường có sự cạnh tranh thực sự, cung lớn hơn cầu, sản phẩm đa dạng phong phú.

b. Quan điểm tập trung vào sản phẩm

Quan điểm này cho rằng: người tiêu dùng luôn ưa thích những sản phẩm có chất lượng cao nhất, nhiều công dụng và tính năng mới. Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp muốn thành công phải luôn tập trung tổ chức tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến tính năng và hiệu suất để đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng. Điều này giúp tạo dựng danh tiếng và niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và thương hiệu.

Như vậy, quan điểm này cho rằng nếu có sản phẩm tuyệt vời thì khách hàng sẽ tự đến mua. Ngoài việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu hoàn thiện và cải tiến sản phẩm để chúng luôn tốt hơn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp không cần làm gì cả. Đây là một quan điểm rất khó để doanh nghiệp thành công trong thị trường phong phú, đa dạng hàng hoá cạnh tranh như hiện nay. Doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào "tật cận thị" về marketing, mà hai yếu tố chính trong đó là nhu cầu của khách hàng và khả năng chi trả của họ. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất điện thoại cho rằng nếu tăng khả năng chịu lực của lớp vỏ điện thoại thì khách hàng sẽ thích bởi họ sẽ giảm được rủi ro vỡ điện thoại khi đánh rơi. Điều này có lẽ sẽ đúng với một số nhóm người, nhưng với nhiều người thì họ cho rằng họ rất cẩn thận nên cũng không bao giờ để rơi điện thoại, bởi thế họ sẽ không chấp nhận trả thêm tiền cho tính năng chịu lực này.

   Việc nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết vì cạnh tranh trên thị trường về chất lượng sản phẩm là công cụ cạnh tranh quan trọng. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường thay đổi, những sản phẩm thay thế với tính năng tác dụng cao hơn thì dù sản phẩm của doanh nghiệp tốt đến đâu cũng không còn người mua nữa. Như vậy, sai lầm của quan điểm này cũng là chưa hiểu đầy đủ về nhu cầu thị trường và những khả năng thỏa mãn nhu cầu đó.

c. Quan điểm tập trung vào định hướng bán hàng

Người tiêu dùng thường có xu hướng bảo thủ nên thường chần chừ rất nhiều hoặc do dự khi mua sản phẩm. Vì vậy, một doanh nghiệp muốn thành công thì cần tập trung mọi nguồn lực và sức lực cho việc đẩy mạnh tiêu thụ và khuyến mãi.

   Do đó, theo quan điểm này, yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp là tìm mọi cách để tăng số lượng hàng tiêu dùng sản xuất ra. Sau đó, các nhà quản lý doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho bán hàng và khuyến mãi, tạo ra các cửa hàng hiện đại, đào tạo nhân viên bán hàng để thu hút và thuyết phục khách hàng nhanh chóng, vượt qua các rào cản tâm lý bằng mọi cách. Bán được nhiều hàng và thu được nhiều tiền của khách là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.

   Quan điểm này chỉ giúp doanh nghiệp thành công trong điều kiện sản phẩm của họ khó bị thay thế, cầu chưa vượt cung quá mức, cạnh tranh chưa gay gắt. Nhìn chung, khi quan hệ thị trường đã phát triển ở trình độ cao, chỉ tập trung vào khâu tiêu thụ là không đủ đảm bảo cho doanh nghiệp thành công trong dài hạn. Khi sản phẩm đã bị lỗi thời, khi doanh nghiệp không có chiến lược marketing tốt, thì dù có quảng cáo và bán hàng giỏi đến đâu cũng không thể thành công được.

d. Quan điểm marketing

Để đạt được mục tiêu kinh doanh, doanh nghiệp phải xác định chính xác nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu là gì? Để từ đó có thể khai thác tối đa và đưa ra được chiến lược marketing phù hợp nhất. Có hai điểm khác biệt giữa quan điểm này và ba quan điểm trên, dẫn đến khả năng thành công trong kinh doanh cao hơn:

Thứ nhất, công ty không tiếp thị đại trà mà tập trung vào khách hàng mục tiêu, được gọi là thị trường mục tiêu. Luôn tìm kiếm cơ hội mới và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công ty phải linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để tận dụng cơ hội thị trường và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, hiểu chính xác nhu cầu của khách hàng là vấn đề cốt lõi. Bởi nếu không hiểu đúng về nhu cầu và mong muốn của khách hàng thì doanh nghiệp không thể đáp ứng những nhu cầu đó một cách tối ưu.

e. Quan điểm marketing đạo đức xã hội

Quan điểm này khẳng định rằng hoạt động marketing không chỉ tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp mà còn cần tạo ra lợi ích cho xã hội. Điều này có thể bao gồm việc phát triển sản phẩm có lợi cho sức khỏe, môi trường và xã hội, thúc đẩy các chương trình cộng đồng và đảm bảo an toàn và công bằng trong quy trình sản xuất.

Quan điểm marketing đạo đức xã hội mang lại nhiều lợi ích như tạo dựng lòng tin và niềm tin từ khách hàng, xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp, và tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi sự cam kết và tuân thủ của doanh nghiệp đối với giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Theo quan điểm này, các doanh nghiệp mà trực tiếp là những người làm marketing phải cân nhắc và kết hợp ba loại lợi ích: lợi nhuận của doanh nghiệp, sự thỏa mãn nhu cầu mong muốn của khách hàng và lợi ích của xã hội, trước khi thông qua các quyết định marketing. Đây là triết lý kinh doanh hiện đại nhất, tuy nhiên trên thực tế không dễ dàng cho doanh nghiệp thực thi thành công triết lý kinh doanh này, bởi những lí do như nguồn lực của doanh nghiệp, nhận thức của cộng đồng,…

Vậy quan điểm quản trị Marketing nào phù hợp nhất với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Quan điểm Marketing hướng tới khách hàng tập trung vào việc hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, giúp doanh nghiệp tạo dựng lòng tin, tăng sự hài lòng của khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Đây là một quan điểm phù hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bởi vì nó đáp ứng yêu cầu của thị trường đang thay đổi nhanh chóng và có thể giúp doanh nghiệp đạt được sự cạnh tranh bền vững.

III. Quá trình quản trị Marketing diễn ra như thế nào?

Quá trình quản trị marketing có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn kế hoạch hóa, giai đoạn thực hiện và giai đoạn kiểm soát. Mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với một hoặc một số bước của quy trình marketing nêu trên. Nắm được quy trình marketing, doanh nghiệp có thể tổ chức phân công nhiệm vụ cho phòng marketing hoặc yêu cầu các nhân viên đưa ra các bản đề xuất cho những chiến dịch marketing cụ thể.

- Giai đoạn kế hoạch hóa: xây dựng các chiến lược, kế hoạch marketing và các quyết định marketing cụ thể. Trong giai đoạn này, bộ phận quản trị marketing phải tiến hành một loạt các công việc theo tiến trình các bước xây dựng kế hoạch marketing: phân tích cơ hội marketing; phân đoạn thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu và định vị thị trường; xác lập chiến lược marketing; xác lập chương trình marketing-mix. Nhà quản trị marketing cũng cần lập kế hoạch cho các công cụ marketing cụ thể trong marketing-mix như kế hoạch phát triển sản phẩm mới, kế hoạch phát triển kênh phân phối, kế hoạch truyền thông marketing...

- Giai đoạn tổ chức và thực hiện các chương trình marketing đã lên kế hoạch: Những công việc trong giai đoạn này bao gồm: xây dựng hệ thống nhân sự với cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, từng nhân viên rõ ràng để thực hiện được và sau đó tiến hành thực hiện các hoạt động marketing theo kế hoạch đã lập (tự thực hiện hoặc thuê ngoài)

- Giai đoạn điều khiển: kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động marketing của doanh nghiệp. Người làm marketing cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá, xác định các phương pháp đánh giá chủ yếu và quy trình thực hiện hoạt động đánh giá từ đó đề xuất các điều chỉnh hoạt động marketing.

Bemecmedia.vn