Lo ngại việc người Thái thâu tóm doanh nghiệp Việt

Thị trường Việt đang đứng trước nguy cơ nhiều thương hiệu Việt đánh mất mình vào tay người nước ngoài. Nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần Nguyễn Kim, mở rộng đầu tư, kinh doanh vào thị trường Việt Nam, đón đầu cơ hội mà cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.

Thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, người Thái hiện đang xây dựng, mua lại hoặc có cổ phần đáng kể tại rất nhiều doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và những cái tên mới nhất như Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim… Tại sao nhà đầu tư Thái Lan lại ra sức mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam? Liệu hàng Thái có phải là đối thủ của hàng Việt Nam? Doanh nghiệp Việt cần làm những gì?

Việc nhà đầu tư Thái Lan gia tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua cho thấy sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đây chúng ta từng lo lắng hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém tràn ngập thị trường, hiện hàng Thái Lan có chất lượng tốt, mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thị yếu của người tiêu dùng có thể là động cơ cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Với hàng hóa Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh thì cuối cùng cũng bị đo ván, thua tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng mình Thái Lan.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất

Việc mua bán giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài trong đó có đối tác đến từ Thái Lan là chuyện bình thường nhưng quan trọng là bán như thế nào cho có lợi, không để mất thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt sẽ bị hàng Thái chèn ép nếu không tìm được lối đi

Rất có thể qua phương án mua bán cổ phần giữa Nguyễn Kim và Power Buy – một đơn vị thuộc tập đoàn bán lẻ của Thái Central Group, Nguyễn Kim có thể học tập cách quản trị, kinh doanh từ doanh nghiệp Thái Lan sau khi đã có dòng tiền từ nhà đầu tư này. Lợi thì có thể có lợi, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng Nguyễn Kim sẽ đi vào vết xe đổ như một số thương hiệu khác trước đó như Dạ Lan…  Sự hợp tác, liên doanh liên kết phải tạo động lực để doanh nghiệp mạnh lên. Ví dụ trường hợp Kinh Đô sau khi bán cổ phần lĩnh vực bánh kẹo có thể hoạt động sản xuất kinh doanh nước giải khát. Không thể bán đến đâu ăn đến đấy. 

Thực tế việc lo ngại việc hàng Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam là thừa vì thực chất 5-7 năm nay hàng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam và đã từ lâu là đối thủ của hàng Việt chứ không phải mới chỉ từ bây giờ. Thái Lan xâm nhập cả sản xuất, phân phối, và khi hàng Thái đã chiếm được thì phần lớn, nhiều khả năng sẽ quay lại ép chính Việt Nam. Tới đây,hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%, giúp họ cạnh tranh với chính hàng Việt Nam với giá rẻ, vậy nên ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra lối đi mới cho mình nếu không muốn mất chính thị trường sân nhà vào tay đối thủ. Thực tế là nếu doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên thì sớm hay muộn, tất yếu sẽ bị chèn ép.

Quang Phong - Bemecmedia.vn (tổng hợp)