Lãi suất rơi sâu, tỷ giá USD/VND tăng nhanh

Sáng nay (3/10), một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục nâng mạnh giá bán ra USD, gắn với bước tăng 30 VND. Bước tăng dài hơn, dứt khoát hơn là đặc điểm đầu tiên của đợt biến động, manh nha từ cuối tháng 9 vừa qua và nổi bật trong ba ngày gần đây.

Thêm một lần nữa tương quan lãi suất với tỷ giá USD/VND lại trở nên nổi bật...

Lãi suất rơi sâu, tỷ giá USD/VND tăng nhanh

Bước tăng của tỷ giá USD/VND dài hơn, dứt khoát hơn là đặc điểm đầu tiên của đợt biến động, manh nha từ cuối tháng 9 vừa qua và nổi bật trong ba ngày gần đây.

MINH ĐỨC

Ngày thứ ba liên tiếp, giá USD sải một bước dài trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Đợt biến động mới này đang có những diễn biến khá nhanh.

Sáng nay (3/10), một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục nâng mạnh giá bán ra USD, gắn với bước tăng 30 VND. Bước tăng dài hơn, dứt khoát hơn là đặc điểm đầu tiên của đợt biến động, manh nha từ cuối tháng 9 vừa qua và nổi bật trong ba ngày gần đây.

Tính chung, bước nhảy của tỷ giá USD/VND đã lên tới 110 VND, so với mốc 21.220 VND ổn định suốt thời gian dài trước đó. Với 21.330 VND thiết lập sáng nay, vẫn nằm gọn trong biên độ cho phép, nhưng bước nhảy khá mạnh hẳn đã tác động đến các giao dịch trên thị trường, như một yêu cầu không quên phòng ngừa rủi ro.

Dù tăng khá mạnh, nhưng cung - cầu trên thị trường chưa thực sự có biểu hiện căng thẳng. Điều này thể hiện ở chênh lệch giá mua vào - bán ra của các ngân hàng vẫn được giữ ở mức bình thường, chênh 50-70 VND, có nơi chênh tới 100 VND.

Việc doãng chênh lệch giá mua vào - bán ra tới 100 VND tại một số ngân hàng thương mại cũng hàm ý họ dự phòng rủi ro từ đợt biến động này, mặt khác cho thấy không có áp lực cầu quá lớn để nâng giá mua vào thực sự áp sát giá bán.

Về vĩ mô, diễn biến trên cũng có vẻ “không hợp thời”, khi mà cán cân thương mại 9 tháng đầu năm vẫn thuận lợi. Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 109,63 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 107,2 tỷ USD, tăng 11,1%; theo đó Việt Nam xuất siêu 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Thế nhưng, diễn biến mới của tỷ giá lại đi cùng với cú rơi sâu của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng trong vài tuần gần đây đã liên tiếp giảm mạnh. Từ 3,4-3,5%/năm, lãi suất qua đêm đã rơi hẳn về sát mốc 1%/năm; các kỳ hạn khác cũng giảm mạnh so với một tháng trước.

Diễn biến trên gợi nhớ về kỷ lục của lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng hồi cuối tháng 5/2012. Khi đó, lãi suất qua đêm lần đầu tiên sau nhiều năm rơi xuống chỉ còn 0,5%/năm. Cùng với diễn biến này, tỷ giá USD/VND lập tức biến động mạnh, trạng tháng kịch trần biên độ xuất hiện.

Lần này, ngoài diễn biến của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thông tin Thủ tướng Chính phủ họp với Ngân hàng Nhà nước để tính chuyện hạ lãi suất cũng là một yếu tố liên quan. Với những gì diễn ra những năm gần đây, phản ứng của thị trường ngày càng trở nên nhạy cảm với các thông điệp về định hướng chính sách như vậy (dù hiện nay việc Ngân hàng Nhà nước có giảm lãi suất thì cũng chủ yếu mang tính định hướng, bởi mặt bằng trên thị trường đã chủ động giảm trước trong thời gian qua).

Thêm nữa, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rất cụ thể về dự tính nếu có điều chỉnh tỷ giá thì năm nay sẽ ở khoảng 1-1,43%, hẳn cũng đã thắp kỳ vọng có điều chỉnh trên thị trường.

Vì sao lại là 1,43% (đã điều chỉnh 1% hồi tháng 6 vừa qua, khả năng còn lại là 0,43%), mà không phải là 1,5% hay là một mức tương đối khác? Có thể thấy, con số cụ thể này đã được Ngân hàng Nhà nước tính toán chi li với các cân đối khác. Nhưng quan trọng hơn, nó cho thấy yêu cầu điều chỉnh tỷ giá là có, kỳ vọng thì trường là có, nhưng ở một giới hạn đã xác định.

BEMEC MEDIA (Theo Thời báo kinh tế)