Đối với đại đa số người đi làm, đây là một câu hỏi khá tế nhị và nên tránh càng xa càng tốt. Tuy nhiên, đào sâu hơn về vấn đề lương bổng, có một số yếu tố dưới đây khiến bạn có thể thay đổi suy nghĩ về việc chia sẻ này.
Khi nhận được dạng câu hỏi này, bạn thường trả lời thế nào? “Vừa đủ xài”, “Cũng đủ sống ở đây”, “Đủ trả tiền nhà”, “Đủ để ở lại công ty này”… Có hàng chục cách trả lời từ hài hước đến nghiêm túc để mọi người né tránh con số thực tế mà họ kiếm được hàng tháng. Đối với đại đa số người đi làm, đây là một câu hỏi khá tế nhị và nên tránh càng xa càng tốt.
Tuy nhiên, đào sâu hơn về vấn đề lương bổng, có một số yếu tố dưới đây khiến bạn có thể thay đổi suy nghĩ về việc chia sẻ này.
1. Sự minh bạch về lương trong nội bộ đang là vấn đề cần được cân nhắc
Giá trị to lớn của việc minh bạch trong mức lương chỉ vừa được khám phá thời gian gần đây với mong muốn nhân viên hiểu rằng họ đang được trả công một cách xứng đáng. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Payscale cho thấy lý do phổ biến nhất khi nhân viên chuyển việc là do chưa hài lòng về mức lương. Nhưng thực tế những người suy nghĩ rằng họ chưa được trả xứng đáng, có đến 55% là họ đã nhầm. Họ đang được tưởng thưởng xứng đáng, chỉ vì họ không biết mặt bằng chung của công ty và mức lương của những thành viên khác trong nhóm.
Vì vậy, minh bạch lương trong môi trường làm việc hiện đang là con dao hai lưỡi mà doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
2. Khoảng cách lương trong giới tính thực tế vẫn tồn tại
Tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam, khoảng cách lương giữa nam và nữ ở cùng một vị trí vẫn tồn tại. Mức chênh lệch khác nhau tùy theo từng quốc gia và ngành nghề, tuy nhiên chênh lệch có xu hướng càng cao đối với những vị trí từ manager trở lên. Về phía cá nhân, công khai chia sẻ thu nhập với đồng nghiệp chính là liệu pháp hiệu quả để thẳng thắn thương lượng mức lương phù hợp hơn với năng lực.
3.Chia sẻ để được sẻ chia
Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ việc chia sẻ thành thật về lương bổng với những người mình tin tưởng. Trao đổi thẳng thắn về vấn đề thu nhập, tài chính sẽ giúp câu chuyện không chỉ dừng lại ở con số. Cuộc trò chuyện sẽ dẫn đến những chia sẻ giá trị về quá trình kiếm tiền, những bí quyết thành công, tips “làm ăn” với đối tác, cũng như bí quyết đàm phán lương, tăng thu nhập… Nếu cùng mở lòng với những người thân tình và đáng tin cậy nhất,”tập thể cùng tiến” là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.
4. Chia sẻ một cách cẩn trọng
Có lẽ vì xã hội hiện tại đặt quá nhiều sức nặng đối với vấn đề tiền bạc, nên những chia sẻ thật về mức thu nhập với bạn bè thân thiết hay thành viên trong gia đình đều được cân nhắc kỹ hơn. Không ai muốn nhận được những phán xét, thậm chí là so sánh hay đố kỵ. Vì vậy, hãy cẩn trọng và nhớ rằng đó là quyết định của bản thân, không ai được quyền ép bạn nếu bạn thực sự không thoải mái.
Lời kết: Mặc dù chia sẻ thẳng thắng về lương vẫn có những điểm lợi như đã nêu trên, nhưng đừng mong đối phương cũng sẽ bộc bạch lại. Một lần nữa đây là vấn đề rất cá nhân, đừng biến mình thành kẻ cố tình đào xới thông tin thu nhập người khác chỉ vì mình đã tự nói ra.
Bemecmedia.vn _ HR Insiders _